Trịnh Căn: Vị chúa Trịnh hiếm hoi có tài văn võ trị quốc

2 years ago 361

Thời kỳ Lê Trung Hưng, các đời chúa Trịnh lấn át vua Lê, về Lễ có thể nói là không bao giờ vẹn toàn. Bởi vậy trong 12 đời chúa Trịnh, rất ít người được xem là minh quân trị quốc. Hai vị Chúa được xem trọng thời này có Trịnh Tùng đánh bại nhà Mạc giúp khôi phục nhà Lê, có Trịnh Căn giỏi văn võ, trọng kẻ sĩ, nhờ đó mà dân chúng Đàng Ngoài được yên ổn.  Vị chúa Trịnh hiếm hoi có tài văn võ trị quốc(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, báo Bình Phước Online)

Đánh chặn quân chúa Nguyễn, lấy lại các vùng đất đã mất

Trong 7 lần Trịnh – Nguyễn phân tranh thì có đến 6 lần Đàng Ngoài tấn công Đàng Trong, chỉ duy nhất vào lần giao tranh thứ 5, chúa Nguyễn tấn công ra Đàng Ngoài vào năm 1655. Quân Đàng Trong liên tục giành chiến thắng.

Năm 1657, chúa Trịnh Tráng mất, Trịnh Tạc lên thay, giao việc chủ huy quân chống chúa Nguyễn lại cho con mình là Trịnh Căn.

Trịnh Căn cho quân vượt sông Lam tiến đánh quân chúa Nguyễn, nhưng do có người tiết lộ kế hoạch nên quân chúa Nguyễn chuẩn bị trước và giành được chiến thắng. Các cuộc tấn công của quân chúa Trịnh sau đấy cũng đều thất bại.

Sao những trận thất bại liên tiếp, nhuệ khí quân Đàng Ngoài suy giảm. Nhưng Trịnh Căn cũng biết rằng quân chúa Nguyễn không đủ lực đế tiến xa hơn nên cho quân lập thế phòng thủ chờ thời cơ.

Trong thời gian này Trịnh Căn đích thân khích lệ tinh thần binh sĩ, quân lệnh rất nghiêm, yêu cầu cung cấp quân trang lương thực đầy đủ cho binh sĩ, ai chậm trễ đều bị xử phạt. Từ đó tướng sĩ đều quy phục chấp hành mệnh lệnh.

Tháng 7/1658, Trịnh Căn cho quân vượt sông Lam và đã có những trận thắng. Dù đây chỉ là những trận nhỏ nhưng đã khích lệ được tinh thần binh sĩ.

Lúc này hàng ngũ tướng lĩnh quân Nguyễn lại bất hòa. Chúa Nguyễn khen Nguyễn Hữu Dật và phong thưởng cho bảo kiếm, Nguyễn Hữu Tiến biết tin thì ghen tức và ghét Dật. Từ đó Nguyễn Hữu Tiến không muốn chống giữ các vùng chiếm được mà chỉ muốn lui binh.

Năm 1660, nhận thấy cơ hội tiến quân đã đến, Trịnh Căn xin thêm viện binh để lấy lại các vùng đất đã mất. Chúa Trịnh điều thêm 1 vạn quân và 3 tướng đến. Trịnh Căn cho quân tấn công.

Quân chúa Trịnh đến Lận Sơn thì bị Nguyễn Hữu Dật chủ động đưa quân đến vây chặt khiến 4 tướng Trịnh bị tử trận.

Thế nhưng lúc này quân Đàng Trong có mâu thuẫn. Nguyễn Hữu Tiến không chống nổi phải lui quân, nhưng vì ghét Dật nên dù lui quân về nam Bố Chính nhưng lại phao tin là cho quân tiến đánh An Trường. Chính vì thế Trịnh Căn có cơ hội dốc toàn quân tấn công Nguyễn Hữu Dật.

Lúc này Nguyễn Hữu Dật biết Nguyễn Hữu Tiến đã rút quân rồi, không thể đơn thân cầm cự nên cũng phải rút lui. Trước việc quân mình có nguy cơ bị truy đuổi tiêu diệt toàn bộ, ông đã bố trí nghi binh khéo léo hư hư thực thực khiến quân Trịnh cẩn trọng không dám tiến nhanh. Nhờ đó Nguyễn Hữu Dật mới đưa quân rút lui an toàn.

Qua việc này, Trịnh Căn cho quân chiếm lại được toàn bộ vùng đất bị mất trước đó.

Khéo trị quốc

Năm 1682, Chúa Trịnh Tạc mất, Trịnh Căn lên ngôi Chúa, trọng dụng các danh sĩ như Nguyễn Danh Nho, Nguyễn Quý Đức, Nguyễn Tông Quai, v.v. để trị quốc.

Năm 1683, Trịnh Căn ra lệnh cho các quan phải đi thị sát đời sống dân chúng, xem xét các quan địa phương có nhũng nhiễu dân không: “Thương yêu dân chúng là việc đầu tiên của chính sự. Dân chúng có người vì quan sở tại hà khắc, bọn quyền quý ức hiếp, có người vì oan ức phải phiêu tán tha hương, họ cần được vỗ về thương yêu mới phải.”

Khi khảo sát các quan, Trịnh Căn lệnh phải xét xem ai yêu thương chăm lo được cho dân, và phải được dân ủng hộ mới xét cho thăng chức. Tháng 8/1685, Chúa cho quy định lại việc khảo xét phong thưởng, giáng truất các quan, tất cả đều dựa trên mức độ có chăm lo được cho dân không.

Trịnh Căn cũng đề cao pháp luật nhằm giữ kỷ cương trong nước. Năm 1684 Chúa cho bổ sung vào luật bắt buộc các Hiến ty ở địa phương hàng năm phải rà soát đời sống của dân, những nơi mất mùa hay dân đói khổ đều phải tâu lên Triều đình.  Vị chúa Trịnh hiếm hoi có tài văn võ trị quốcPhủ chúa Trịnh thế kỷ 17. (Tranh: Samuel Baron,
Royal Society Collection, Wikipedia, Public Domain)

Năm 1687, Chúa sai các quan đi xem xét thủy lợi nhằm tưới tiêu ruộng nước, lại chủ động giảm thuế cho dân, những nơi khó khăn được xóa thuế.

Tháng 7/1694, Chúa yêu cầu các quan địa phương phải có ghi chép về địa thế núi sông, ruộng đất, chợ búa v.v. nhằm thực hiện tốt chức trách tại địa phương mình quản lý.

Nhờ có những biện pháp quản lý sát với dân, nên nơi đâu gặp khó khăn như mất mùa, dịch bệnh, Trịnh Căn đều kịp thời phát tiền hoặc thóc lúa, lại giảm xóa thuế cho dân. Ví như năm 1695 ở Thanh Hoa (nay là Thanh Hóa) gặp nước lớn dân đói kém, Chúa cho phát 1 vạn quan tiền, mở kho thóc phát cho dân, lại sai giảm tô thuế, hoãn việc xây cất.

Năm 1703, xứ Thanh Hoa lại gặp hạn hán, đói kém, Chúa cho miễn thuế, đồng thời xuất tiền bạc giúp cho các hộ dân nghèo đói trong kinh thành.

Trịnh căn cũng là nhà thơ, ông để lại “Khâm Định Thăng Bình Bách Vịnh Tập” gồm 90 bài, làm theo thể Hàn luật (thơ Đường dùng cho văn Nôm).

Sử gia Phan Huy Chú trong “Nhân vật chí” có nhận xét rằng: “Vua tôn trọng Chúa khác thường, tấu sớ không phải đề tên, vào chầu không phải lạy, lại cho đặt ghế ngồi coi chầu ngay bên tả, đủ các thứ yêu chuộng. Về chính trị thì thưởng phạt rõ ràng, mối giường chỉnh đốn, sửa sang nhiều việc, cất dùng các anh tài, thành tích trông thấy rõ rệt. Chúa phò Lê Hy Tông giữ chính quyền 26 năm, thọ 77 tuổi.”

Trần Hưng

Xem thêm:

Đào Quang Nhiêu: Vị tướng giúp Đàng Ngoài chặn quân chúa Nguyễn Phong thủy giúp vương triều chúa Trịnh kéo dài suốt 12 đời

Mời xem video:

Read Entire Article