Trung thu buồn của người 30 năm làm đầu lân

2 years ago 254

Quảng NamNgó đống đầu lân sặc sỡ nằm im lìm trong góc nhà, anh Nguyễn Hưng thở dài đánh thượt rồi vác cần câu bước ra cửa.

Ra khỏi nhà được một đoạn, người đàn ông 48 tuổi mới sực nhớ quên điện thoại nhưng cũng chẳng buồn quay về lấy. Đúng như dự đoán của anh, đến chiều 20/8, một ngày trước tết Trung thu, điện thoại vẫn không một cuộc gọi nhỡ.

"Hơn 30 năm làm đầu lân, chưa năm nào tôi thấy hụt hẫng như năm nay", anh Hưng cười buồn, "Cả năm chẳng bán được mấy, đến sát Trung thu càng không có khách".

Chị Phùng Thị Hoà, 48 tuổi, vợ anh Hưng cho biết, cả Hội An giờ còn mỗi gia đình có xưởng sản xuất lớn. Hai năm nay, lắm lúc nhìn chồng ngồi bần thần cạnh khung đầu lân mà bất lực.

Theo ông Mai Thanh Hùng, Phó chủ tịch xã Cẩm Hà, TP Hội An, khoảng 1% dân số xã làm đầu lân truyền thống nhưng chỉ có anh Hưng làm trọn bộ đầu lân và mặt nạ ông địa.

"Covid-19 đã khiến những hộ gia đình làm lồng đèn, dấu mộc, đầu lân sụt giảm thu nhập rất mạnh. Xã vận động những hộ này tạm chuyển hướng sang làm nông, nuôi trồng thủy sản để ổn định cuộc sống", ông Hùng nói.

 Nhân vật cung cấp.

Anh Hưng đang hoàn thiện chiếc đầu lân được khách đặt trước. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Từ 2019 về trước, cơ sở sản xuất đầu lân của gia đình anh Hưng thường tất bật làm không hết việc. Mỗi năm anh cho ra thị trường hơn 2.000 đầu lân và khoảng 1.000 mặt nạ ông địa, hầu hết được khách đặt mua sỉ. Những dịp giáp lễ cổ truyền như Trung thu, Tết Nguyên đán, 20 nhân công làm liên tục từ 6h sáng đến 9h tối, thậm chí suốt đêm vẫn không kịp giao cho khách. Cả năm, xưởng nhà anh Hưng chỉ nghỉ hai tháng sau rằm tháng 8.

"Hai năm trở lại đây, tôi không có nổi một đơn làm sỉ đầu lân nhỏ. Cả năm chỉ bán được 40 đầu lân lớn, hơn 200 mặt nạ ông địa. Giờ chỉ còn 5-6 người làm. Ngoài đường tiếng trống lân tập luyện cũng mất, không khí ảm đạm đến lạ", anh thở dài.

Thông thường, giá bán một bộ lân lớn gồm đầu, đuôi, quần áo từ 4 đến 5 triệu đồng. Đầu lân nhỏ giá sỉ từ 70.000 đến 150.000 đồng, đầu ông địa từ 50.000 đến 250.000 đồng/sản phẩm. Trước khi Covid-19 xuất hiện, xưởng có doanh thu trung bình 200 triệu đồng một năm.

 Nhân vật cung cấp.

Từ sở thích cá nhân, người đàn ông phát triển xưởng sản xuất đầu lân có tiếng tại Hội An. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Những ngày rảnh việc càng khiến anh Hưng nhớ cồn cào ký ức về những ngày đầu mới theo nghiệp làm đầu lân. Năm 1990, trong một lần đi biểu diễn múa lân, một vị khách Đà Nẵng thấy thích quá nên đặt anh làm cho họ một bộ với giá 150.000 đồng. Anh Hưng biết làm đầu lân từ năm 10 tuổi nhưng chỉ để chơi. "Sau lần đó, thấy nhu cầu mua lớn quá tôi bắt đầu tìm tòi và theo nghiệp làm lân cho đến giờ", anh kể.

Để hoàn thiện một đầu lân lớn "đúng chuẩn Hội An", anh mất cả tuần với nhiều công đoạn khác nhau. Từ hoàn thiện khung mây tạo dáng, đến việc dán giấy, dán vải, sơn phủ, sơn dạ quang, trang trí họa tiết, dán lông cừu, vẽ các nét viền để tạo điểm nhấn và cuối cùng là trang trí nội thất, đèn LED cho lân. Công đoạn nào cũng phức tạp, đòi hỏi độ chính xác cao.

"Đầu lân đẹp mấy nhưng đôi mắt không có hồn thì hỏng. Mắt lân phải lộ rõ thần thái hiền, dữ hay kiêu của con lân mới đạt", anh Hưng cho biết.

 Nhân vật cung cấp.

Lên khung cho đầu lân đòi hỏi độ chính xác cao, làm cẩn thậnm chắc tay. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Hơn 30 năm gắn bó với những đầu lân, anh Hưng có một lượng khách ruột khá lớn, đặt một lần rồi năm nào cũng quay lại. Dần dà, Nguyễn Hưng trở thành cái tên có tiếng nhất trong số những nhà làm lân ở Hội An. Phó chủ tịch xã Cẩm Hà tiết lộ, năm 2020, anh Hưng được Trung tâm Di sản đề nghị xét công nhận nghệ nhân.

Hai năm ảnh hưởng Covid-19, doanh thu giảm, tiền nguyên vật liệu tăng cao nhưng chưa bao giờ anh nghĩ đến chuyện tăng giá bán. Với anh, chữ tín luôn được đặt lên hàng đầu.

"Nhiều khách hàng đặt đầu lân về cũng chỉ để đó cho đỡ nhớ, mình sao đành lòng tăng giá", anh Hưng nói.

Dù khó khăn, anh Hưng không có ý định bỏ nghề. "Tôi dự định sáng tạo nhiều đầu lân mới, đợi đến khi hết dịch sẽ triển khai. Giờ phải làm, phải giữ để có cái nghề lưu truyền cho con cháu", anh nói rồi lại cắm cúi với những bộ khung đầu lân, chờ có cuộc gọi của khách là hoàn thiện.

Thúy Quỳnh

Mỗi chiếc máy tính có thể giúp hàn gắn một vết đứt gãy giáo dục trong đại dịch Covid-19, đồng thời tạo cơ hội cho thế hệ tương lai tiếp cận kho tri thức mở. Quỹ Hy vọng báo VnExpress phát động chương trình “Máy tính tặng em” với mục tiêu trao 3.300 máy tính đến các em nhỏ khó khăn. Bạn có thể tìm hiểu và ủng hộ tại đây.

Read Entire Article