Trường Sa vững vàng giữa sóng gió Biển Đông

2 years ago 99

Bài 1: Hình hài trung tâm kinh tế biển

Sau nhiều lần điều chỉnh đơn vị hành chính trong lịch sử, từ tháng 4/2007, huyện đảo Trường Sa chính thức trở thành một huyện thuộc tỉnh Khánh Hòa.

Theo Nghị định số 65/2007/NĐ-CP của Chính phủ về thành lập lại huyện đảo Trường Sa, thuộc tỉnh Khánh Hòa, huyện Trường Sa có 3 đơn vị hành chính: Thị trấn Trường Sa, xã Song Tử Tây, xã Sinh Tồn.

Như vậy, Trường Sa là huyện thuần đảo ở giữa Biển Đông có cơ cấu hành chính cấp huyện hoàn chỉnh.

Trường Sa vững vàng giữa sóng gió Biển Đông - Ảnh 1.

Trụ sở UBND huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa - Ảnh: VGP/Minh Minh Đức

Quần đảo Trường Sa nói chung có khí hậu nhiệt đới. Lượng mưa trung bình hằng năm khá lớn (khoảng hơn 2.500 mm). Trên nhiều đảo có cây mọc tự nhiên (phong ba, tra, bàng vuông…). Chủng loại hải sản phong phú.

Theo một số khảo sát, các đảo ở Trường Sa có gần 2.400 loài động, thực vật sinh sống. Trong đó, có một số loài quý hiếm như rong câu chân vịt, rong kỳ lân, ốc đụn, bào ngư hình bầu dục, trai ngọc, trai tai tượng, mực nang vân hổ…

Do tiềm năng biển đảo rất phong phú, huyện đảo Trường Sa có thể phát triển các ngành khai thác, chế biến hải sản, dịch vụ hậu cần nghề cá và năng lượng sạch (điện gió, điện mặt trời).

Huyện Trường Sa đang từng bước xây dựng cơ sở hạ tầng. Đời sống kinh tế-xã hội huyện đảo đang thay da đổi thịt, cuộc sống quân dân tại đây mỗi ngày thêm cải thiện.

Từ khi có nguồn năng lượng tái tạo, sóng điện thoại và mạng internet, "khoảng cách" giữa đảo với đất liền ngày càng rút ngắn. Nhịp sống của huyện đảo đã gắn với sự phát triển và hội nhập của cả nước.

Hệ thống dịch vụ nghề cá ở xã  Song Tử Tây, đảo Đá Tây, đảo Trường Sa Lớn giờ đây đủ khả năng cung cấp nhiên liệu, lương thực, nước ngọt, dịch vụ y tế..., thu hút nhiều tàu cá của ngư dân, người đi biển ghé lại mỗi khi cần.

Xã đảo Song Tử Tây được coi là điểm tựa của ngư dân đánh bắt xa bờ. Âu tàu ở đây là bến đậu an toàn cho ngư dân Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa… trong những đợt mưa bão. Đây cũng là nơi cung cấp nước ngọt, xăng dầu cho ngư dân đánh bắt trên vùng biển Trường Sa.

Trên huyện đảo, hệ thống năng lượng sạch (điện gió, điện mặt trời) đáp ứng cơ bản nhu cầu điện sinh hoạt. Bên cạnh đó, việc xử lý thành công nước biển thành nước ngọt sinh hoạt bằng công nghệ mới giúp giải quyết nhu cầu nước sinh hoạt của quân và dân trên huyện đảo cũng như người đi biển.

Tuy nhiên, nhu cầu năng lượng phụ vụ các hoạt động kinh tế, văn hóa, dịch vụ, an ninh quốc phòng trên đảo trong tương lai đòi hỏi sự đầu tư lớn và đồng bộ.

Trường Sa vững vàng giữa sóng gió Biển Đông - Ảnh 2.

Âu tàu tại xã đảo Song Tử Tây. Ảnh: VGP/Minh Minh Đức

Với tinh thần ấy, định hướng phát triển huyện đảo Trường Sa mới đây đã được Thủ tướng Chính phủ nêu rõ.

Ngày 13/3/2022, Trong chuyến công tác tại Khánh Hòa, Thủ tướng Phạm Minh Chính có cuộc làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2021, phương hướng, nhiệm vụ năm 2022.

Tại cuộc làm việc, Thủ tướng đặc biệt lưu ý việc quy hoạch xây dựng huyện đảo Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước và là thành trì vững chắc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Thủ tướng nhấn mạnh việc này cần làm càng sớm càng tốt và ngay sau quy hoạch, phải dành nguồn lực để thực hiện, trước mắt ưu tiên nguồn lực xây dựng trung tâm hậu cần nghề cá tại đây. Đồng thời tiếp tục vận động người dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, ổn định cuộc sống lâu dài trên huyện đảo, theo đúng đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Như vậy, có thể thấy "hình hài" của huyện đảo Trường Sa trong tương lai gần.

Bài 2: Trường Sa - Những điều bình thường giữa trùng khơi

Minh Minh Đức


Read Entire Article