Trường sư phạm đồng hành cùng trường phổ thông phát triển năng lực giáo viên

2 years ago 99

Trường sư phạm đồng hành cùng trường phổ thông trong phát triển năng lực giáo viên

Tọa đàm "Trường sư phạm đồng hành cùng trường phổ thông trong phát triển năng lực nghề nghiệp giáo viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục" - Ảnh: VGP/Nhật Nam

Ngày 27/4, Ban Quản lý chương trình ETEP (Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông) thuộc Bộ GD&ĐT tổ chức tọa đàm "Trường sư phạm đồng hành cùng trường phổ thông phát triển năng lực nghề nghiệp giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục".

Tại tọa đàm, Giám đốc Ban Quản lý Chương trình ETEP Nguyễn Ngọc Dũng cho biết, trong 4 năm qua, vận hành của Chương trình ETEP với sự tham gia của 7 trường đại học sư phạm và học viện quản lý giáo dục trên cả nước đã có những tác động mạnh mẽ đến hoạt động bồi dưỡng phát triển nghề nghiệp của đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông trong cả nước.

Các trường đại học sư phạm, học viện quản lý giáo dục tham gia Chương trình ETEP đã bồi dưỡng 31.390 giáo viên phổ thông cốt cán và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán (gồm 27.461 giáo viên phổ thông cốt cán và 3.929 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán tham gia bồi dưỡng 6 module). 

Trong đó, có 27.039 giáo viên phổ thông cốt cán hoàn thành 6 module  (98,5% so với số tham gia) và 3.852 cán bộ quản lý giáo dục cốt cán đã hoàn thành 6 module (98% so với số tham gia). Đây là các module cốt lõi để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Đội ngũ này đã cùng giảng viên sư phạm và giảng viên quản lý giáo dục hỗ trợ cho hơn 724.688 giáo viên phổ thông và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (gồm 519.540 giáo viên phổ thông và 39651 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông tham gia bồi dưỡng 5 module). Trong đó, 430.643 giáo viên phổ thông cốt cán và 32.728 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán đã hoàn thành 5 module cốt lõi trong bồi dưỡng thường xuyên các module triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

Mô hình bồi dưỡng mới chuyển từ bồi dưỡng tập trung sang tự học, tự bồi dưỡng thường xuyên, liên tục, tại địa phương, nhà trường với sự hỗ trợ của đội ngũ cốt cán, đội ngũ giảng viên sư phạm chủ chốt của các trường đại học sư phạm và hệ thống học tập trực tuyến.

Lần đầu tiên, các trường đại học sư phạm, học viện quản lý giáo dục tham gia vào hoạt động bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông một cách hệ thống trong phạm vi toàn quốc với mô hình hiện đại, mới mẻ, theo xu hướng tiên tiến trên thế giới.

Hoạt động này đem lại hiệu quả kép cho sự phát triển nghề nghiệp của giáo viên phổ thông, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cũng như tăng cường năng lực giảng viên sư phạm, giảng viên quản lý giáo dục.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng khẳng định năng lực của các trường đại học tham gia Chương trình ETEP sau 4 năm đã có sự phát triển tích cực: Từ quản trị nhà trường; nghiên cứu khoa học và sáng tạo; phát triển chương trình đào tạo gắn với đổi mới giáo dục phổ thông; phát triển năng lực đội ngũ giảng viên, cảnh quan môi trường sư phạm, cơ sở vật chất, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, hỗ trợ người học.

Sự thay đổi mô hình bồi dưỡng thường xuyên giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cho thấy việc hỗ trợ giáo viên cần có sự gắn kết một cách bài bản, dài hạn giữa trường đại học sư phạm và các trường phổ thông. Nói cách khác, trường đại học sư phạm phải thường xuyên đồng hành cùng trường phổ thông phát triển năng lực nghề nghiệp giáo viên thực hiện thành công chương trình giáo dục phổ thông mới.

Các ý kiến của đại diện các trường sư phạm tại Tọa đàm khẳng định những tác động tích cực, toàn diện trong quá trình đồng hành cùng trường phổ thông tham gia chương trình ETEP thời gian qua.

Các trường sư phạm đã tham gia từ khâu phát triển tài liệu bồi dưỡng; trực tiếp tham gia bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cốt cán cơ sở giáo dục phổ thông; đồng hành cùng các địa phương tổ chức bồi dưỡng giáo viên đại trà của các cơ sở giáo dục phổ thông… Thông qua các hoạt động này, năng lực của giảng viên sư phạm được nâng cao về mọi mặt.

Bên cạnh đó, hoạt động bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông tại các địa phương còn giúp đội ngũ giảng viên sư phạm có thêm phản hồi giá trị từ thực tiễn, kinh nghiệm bồi dưỡng giáo viên phổ thông ngày càng được cập nhật; giảng viên sư phạm có thêm cơ hội hiểu rõ hơn về Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Nhật Nam


Read Entire Article