'Vì chữ đồng bào, chúng ta đã đi qua 5 tháng khó khăn'

2 years ago 101

Vì chữ đồng bào, chúng ta đã đi qua 5 tháng khó khăn - Ảnh 1.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn tham dự chương trình trực tuyến tại điểm cầu Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN

3 bác sĩ đã trực tiếp tham gia cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 gồm: PGS.TS Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế, TS.BS Nguyễn Tri Thức - giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, PGS.TS Lê Minh Khôi - Phó giám đốc Trung tâm Hồi sức COVID-19 Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, cùng chia sẻ với bạn đọc về chiến dịch phòng chống COVID-19 với 5 tháng cực kỳ khó khăn tại khu vực phía Nam vừa qua và cơ hội trở lại bình thường mới trong những ngày tới đây.

Cuộc trò chuyện được xuất hiện trên tất cả các nền tảng trực tuyến của báo Tuổi Trẻ: Tuổi Trẻ Online, YouTube và fanpage chính thức của Tuổi Trẻ từ 9h-10h50 sáng nay 18-10. 

"Qua đợt dịch thứ 4 này, Bộ Y tế rút ra được bài học kinh nghiệm nào, nhất là việc lây nhiễm cộng đồng?", bạn đọc Dương Ngọc gửi đến Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn. Ông chia sẻ: Đợt dịch thứ 4 với biến chủng Delta rất nguy hiểm, có nhiều điểm mới, nồng độ dịch trong hô hấp rất cao (hơn 1.000 lần), vòng lây nhiễm của virus ngắn hơn (24-48 giờ, cùng lắm 72 giờ), chỉ số lây nhiễm gấp nhiều lần (1 người lây nhiễm nhanh chóng 9-10 người). 

Cho nên, tất cả hoạt động về mặt y tế luôn được Bộ y tế theo dõi sát sao, kể cả vấn đề làm sao hạn chế lây nhiễm trong cộng đồng, các chiến lược xét nghiệm, khuyến cáo đến ban chỉ đạo các địa phương, luôn hoàn chỉnh các phác đồ điều trị để tập trung giảm tỉ lệ nặng và nguy kịch cho bệnh nhân.

Bài học chúng ta đã nhận thấy, việc giãn cách xã hội phải thực hiện hết sức nghiêm túc, nghiêm chỉnh thì chúng ta mới hạn chế được. Tất cả người dân phải có ý thức bảo vệ chính mình và cộng đồng trong công tác phòng chống dịch, thực hiện đúng khẩu hiệu 5K.

Khi tổ chức các điểm lấy mẫu xét nghiệm, tiêm vắc xin thì việc đảm bảo an toàn cho những người tiêm vắc xin, lực lượng y tế, lấy mẫu xét nghiệm... luôn được đặt lên hàng đầu. Khuyến cáo của ngành y tế là phải đảm bảo an toàn trong lấy mẫu xét nghiệm, tiêm chủng vắc xin.

"Đến nay, chúng tôi đã có một bài học kinh nghiệm tại TP.HCM là khuyến khích người dân tự lấy mẫu xét nghiệm cho mình, và gia đình, là điều kiện đảm bảo tuyệt đối an toàn cho mình trong đợt dịch vừa qua.

Hi vọng những bài học này được ngành y tế, ban chỉ đạo các địa phương, người dân ủng hộ để đảm bảo trong đợt dịch này an toàn cho bản thân, cộng đồng", ông nói.

Vì chữ đồng bào, chúng ta đã đi qua 5 tháng khó khăn - Ảnh 3.

Hai bác sĩ Nguyễn Tri Thức (giữa) và Lê Minh Khôi (phải) tại điểm cầu TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN

Chia sẻ về cảm xúc cá nhân trong 5 tháng chống dịch, TS.BS Nguyễn Tri Thức - giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy - cho biết khoảnh khắc ông khó quên chính là ngày nhận được cuộc điện thoại từ lãnh đạo TP.HCM. 

"Vị này trao đổi rất nhanh với tôi tình hình dịch COVID-19 tại TP.HCM diễn biến phức tạp, rằng tôi có thể sắp xếp và nhận nhiệm vụ là Giám đốc Bệnh viện Hồi sức COVID-19 hay không. Thời điểm này, dịch diễn ra rất nhanh và chưa có Trung tâm hồi sức cấp cứu trung ương, chỉ có duy nhất Trung tâm hồi sức cấp cứu 1.000 giường tại TP.HCM.

Trước chỉ đạo của TP, tôi rất băn khoăn và suy nghĩ vì chưa hình dung được vấn đề sắp trải qua và công việc thời gian tới như thế nào? Lúc bấy giờ, tôi trao đổi chớp nhoáng với một số trưởng các khoa phòng và các bộ phận liên quan chỉ trong vòng 15 phút.

Trả lời lãnh đạo TP.HCM, chúng tôi cần xin phép Bộ Y tế cho phép Bệnh viện Chợ Rẫy đảm trách nhiệm vụ Trung tâm hồi sức COVID-19 TP.HCM. Đây là thời khắc nhanh và chớp nhoáng, đem lại hiệu quả cao trong công tác chống dịch của TP", ông nhớ lại.

5 tháng chống dịch, bản thân ông có rất nhiều kỷ niệm, tuy nhiên những kỷ niệm đáng nhớ lại là những khoảnh khắc rất đời thường. Chẳng hạn bệnh viện Hồi sức COVID-19 có nhiều lực lượng chi viện, vì thế có khi tiếng nói cũng không nghe được, ăn thì khẩu vị khác nhau. Trong hai tuần đầu rất khó khăn để các y bác sĩ hòa nhập và làm việc thành một ê kíp...

Chia sẻ cảm xúc 5 tháng chống dịch vừa qua, PGS.TS Lê Minh Khôi - phó giám đốc Trung tâm Hồi sức COVID-19 Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM - dùng từ "bi tráng". Bởi vì, "bi" có nhiều mất mát, thương đau mà không tránh né được. "Tráng" là toàn bộ hệ thống chính trị từ đồng bào, thiện nguyện… vào trung tâm hồi sức hỗ trợ ngành y tế. 

"Chúng ta đi qua nhiều thương đau nhưng cuối cùng vượt qua chính mình, vượt những khoảnh khắc đau thương nhất để thêm sức mạnh từ đồng bào, đồng đội, toàn bộ nhân dân để đi qua cuộc chiến này. Đó là cảm xúc có lẽ cả cuộc đời tôi sống và hành nghề y không bao giờ có được lần thứ 2", ông xúc động.

Vì chữ đồng bào, chúng ta đã đi qua 5 tháng khó khăn - Ảnh 4.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn - trưởng bộ phận thường trực chống dịch của Bộ Y tế tại TP.HCM - đã có mặt tại Bệnh viện dã chiến số 16 (Bệnh viện Bạch Mai phụ trách) ngày 15-10, trước khi toàn bộ nhân lực của Bệnh viện dã chiến số 16 về lại Hà Nội - Ảnh: DUYÊN PHAN

Nói về những bài học chống dịch COVID-19 ở TP.HCM trong thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn chia sẻ: Trong 5 tháng qua, trong làn sóng dịch thứ 4 với biến chủng Delta nguy hiểm, đầu tiên là sự quan tâm chỉ đạo hết sức sát sao, quyết liệt từ Tổng Bí thư, Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19 và hệ thống chính trị các địa phương. Trong giai đoạn này, chúng ta cũng nhận được thư kêu gọi của Tổng Bí thư, Ban chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia được kiện toàn, Thủ tướng trực tiếp làm trưởng ban chỉ đạo, cùng với phó thủ tướng, các bộ trưởng, chuyên gia...

Tại TP.HCM, trong thời điểm giãn cách xã hội, chúng ta thực hiện nhiều biện pháp mà trước đây chưa từng có tiền lệ trong 3 làn sóng trước. Đó là, việc tổ chức cho các trường hợp F0 cách ly tại nhà. Việc cách ly tại nhà, với sự chỉ đạo thông qua nghị quyết 86 của Chính phủ, thông qua các công điện, chúng ta đã tổ chức, xây dựng "xã phường là pháo đài, người dân là chiến sĩ", như vậy tất cả trường hợp cách ly tại nhà được tiếp cận nhanh chóng với dịch vụ y tế, tiếp cận các gói an sinh xã hội, tổ chức phân phát gói thuốc hỗ trợ cho người dân, theo dõi tình trạng y tế.

Trong xét nghiệm, chúng áp dụng rộng rãi xét nghiệm test nhanh kháng nguyên. Với biến chủng Delta, việc tập trung số lượng lớn nồng độ virus trong dịch hô hấp, đặc biệt trong dịch mũi, chúng ta có thể phát hiện bằng test nhanh dễ dàng hơn so với biến chủng trước đây.

Vì vậy, chúng ta cũng áp dụng chiến dịch xét nghiệm thần tốc, lan rộng, có trọng tâm trọng điểm, đặc biệt ở vùng có nguy cơ cao và rất cao. Hiệu quả chiến dịch này đã đem hiệu quả hết sức đáng mừng, từ cuối tháng 8 tại TP.HCM tỉ lệ người mắc qua các đợt xét nghiệm là 3,75%, cuối tháng 9 giảm còn 0,1% là tín hiệu hết sức đáng mừng.

Chúng ta tổ chức tháp điều trị 3 tầng tại TP.HCM, dựa trên tháp này thì những mối quan hệ được xác lập, như xây dựng hệ thống bệnh viện chị em giữa các trung tâm hồi sức, bệnh viện dã chiến, cơ sở, trạm y tế xã phường. Do đó, việc chăm lo cho người dân về mặt y tế được nâng lên một bước, không có sự chồng chéo giữa các tuyến thu dung điều trị.

Bộ Y tế cũng thành lập các trung tâm hồi sức COVID-19 tại TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam với 11 trung tâm. Tại TP,HCM có 7 trung tâm với sự tham gia của bệnh viện trung ương, quân đội, tập trung hỗ trợ điều trị, giảm tỉ lệ các bệnh nhân nặng, nguy kịch, tử vong và đạt hiệu quả hết sức khích lệ.

Dự báo thời gian tới sẽ có hàng ngàn người ngoài tỉnh vào TP.HCM làm ăn, sinh sống. Việc quản lý những người này khi họ chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 liều vắc xin như thế nào? Hệ thống y tế chuẩn bị gì khi những người nêu trên bị nhiễm dịch và lây chéo nhau? Và làm sao để sống chung an toàn với dịch bệnh?

Với băn khoăn này, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết: Hiện nay theo nghị quyết 128 của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế vào tháng 10 về hướng dẫn tạm thời, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả COVID-19… những biện pháp cơ bản được Chính phủ, ngành y tế, hướng dẫn cho các địa phương kể cả trong các tình huống, xây dựng các cấp độ khác nhau như cấp độ 1 (vùng xanh), 2 (vùng cam), 3 (vàng) 4 (đỏ).

Việc di chuyển, đi lại, đặc biệt với những người quay trở lại từ các địa phương về TP.HCM tham gia vào chuỗi sản xuất là hết sức cần thiết. Trách nhiệm của thành phố là xây dựng phương án linh hoạt đúng chỉ đạo của Thủ tướng để không cản trở các doanh nghiệp khi mở cửa lại, đồng thời đảm bảo an toàn trong sản xuất. Tôi được biết hiện nay tại TP.HCM, một số lượng lớn công nhân, người lao động đã rục rịch trở về thành phố.

Chúng tôi đã làm việc với thành phố, phải xây dựng kịch bản với người đến từ vùng xanh và vùng khác, người tiêm 2 mũi vắc xin, người đã có miễn dịch… sẽ có ứng xử khác nhau. Những biện pháp nêu ra đã được Chính quyền thành phố hết sức quan tâm, tôi hy vọng trong thời gian tới khi chúng ta đón các lực lượng lao động trở lại thành phố, việc phân loại phân vùng được thực hiện mềm mỏng, đúng quy định của Chính phủ, Bộ Y tế. Việc xét nghiệm cũng được hạn chế, tuy nhiên chúng ta cũng cần phải làm việc trong điều kiện đảm bảo an toàn sản xuất, nơi cư trú.

Chúng ta vẫn phải thích ứng an toàn, phải có điều kiện để an toàn. Những điều kiện đó đã được Bộ Y tế hướng dẫn. Trước hết, chúng ta phải đảm bảo tự an toàn, bằng các biện pháp 5K, tiêm đủ 2 mũi vắc xin.

Đối với xã hội an toàn, phải chuẩn bị điều kiện có thể đáp ứng được tình huống dịch nhỏ lẻ, bùng phát như hệ thống y tế, biện pháp bảo đảm an toàn sản xuất, nhà máy, xã hội như chợ, trường học, bến xe, bệnh viện…

Đối với bản thân, vẫn thực hiện 5K + vắc xin. Đối với xã hội phải chuẩn bị đầy đủ các thuốc điều trị, áp dụng công nghệ để kiểm soát an toàn, và ý thức nhân dân. Ý thức nhân dân là hết sức quan trọng, rất mong muốn các bạn thực hiện đúng.

Chúng ta đã qua giai đoạn khó khăn nhất, nhưng số mắc mỗi ngày và số tử vong vẫn khá cao, bao giờ giảm được tử vong xuống thấp hơn? Bao giờ TP.HCM và các tỉnh phía Nam về được bình thường mới?

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn chia sẻ: "Câu hỏi của bạn cũng chính là niềm mong ước của ngành y tế nói riêng, và của cả người dân và hệ thống chính trị nói chung. Chúng ta đang làm việc để hướng đến việc giảm tỉ lệ tử vong, hạn chế số lượng ca mắc hàng ngày. Đây là điểm chúng tôi hết sức mong muốn.

Việc áp dụng khái niệm "Zero COVID" đã lộ ra một số bất cập, quan điểm của Chính phủ cũng như Ban chỉ đạo quốc gia là phải thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả COVID-19.

Đây là những điểm nhấn đã được hướng dẫn tại nghị quyết 128 của Chính phủ cũng như quyết định 4800 của Bộ Y tế để thích ứng trong giai đoạn này. Nếu thích ứng tốt sẽ đạt được kết quả tốt, nếu lơi lỏng, lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, không thực hiện 5K, tiêm vắc xin không đủ liều, tổ chức tụ tập… sẽ đánh mất cơ hội.

Tôi mong muốn chúng ta hãy cùng nhau, tôi, bạn và người dân, cộng đồng, hệ thống chính trị phải có ý thức. Hiện tại an toàn thì chưa an toàn đâu, vẫn có khả năng lây nhiễm, khả năng lây lan cho người khác, nhưng chúng ta cùng ý thức được vấn đề này thì tôi nghĩ kết quả như bạn mong đợi không còn xa.

Ngày hôm qua tôi biết tỉ lệ tử vong tại TPHCM chỉ còn 36 ca, lần đầu tiên chúng ta xuống dưới con số 50. Đây là tín hiệu rất đáng mừng, số liệu bệnh nhân trở nặng ngày càng giảm, được kiểm soát. Tôi nghĩ hệ thống y tế thành phố và đơn vị hỗ trợ đang nỗ lực, cố gắng.

Về mặt cộng đồng, tôi mong muốn bạn sẽ có những khuyến cáo với người thân, bạn bè, vai trò của bạn trong cộng đồng để cùng nhau thực hiện hướng dẫn của ngành y tế".

"Bệnh nhân F0 đã hết bệnh (30 ngày) nếu không bị tái nhiễm thì khả năng lây cho người tiếp xúc (không 5K) còn không? Nếu còn thì mức độ lây cao không? Trong tình hình mới như hiện nay thì tên gọi F0, F1, F2… có cần thiết nữa không?", bạn đọc Huỳnh Trí Dũng thắc mắc. Theo PGS.TS Lê Minh Khôi, khi F0 khỏi bệnh trong 30 ngày thì không có khả năng lây. Vấn đề liệu không tái nhiễm thì rất khó bởi virus vô hình. Về khoa học, người đó chắc chắn không lây, tuy nhiên khi ra ngoài cộng đồng không biết được mình có mang virus hay không dù trước đó có kết quả âm tính.

Do đó, 2 biện pháp trước, trong và đến bây giờ là 5K và vắc xin. Còn tên gọi F0, F1, F2…cực kỳ quan trọng để định danh ai sẽ là người có nguy cơ cao nhiễm bệnh và phục vụ công tác phòng chống dịch. F0, F1 còn phù hợp hay không thì chính cuộc sống trả lời, bác sĩ không trả lời được. Tuy nhiên, F0, F1 cực kỳ quan trọng để thực hiện những biện pháp phòng dịch.

Về cơ hội cho bình thường mới tại TP.HCM và Đông Nam Bộ, bác sĩ Nguyễn Tri Thức nói: TP.HCM bắt đầu các hoạt động nhộn nhịp trở lại, tuy chưa hoàn toàn được như trước nhưng đây là dấu hiệu đáng mừng. Điều này chứng tỏ các biện pháp chống dịch đi đúng hướng. 

Nhìn cảnh đường sá, sinh hoạt nhộn nhịp trở lại, cá nhân tôi rất vui vì trong đó có công sức nhiều lực lượng để TP.HCM có diện mạo mới. Tôi rất mong muốn tất cả người dân TP đều có việc làm trở lại. Đặc biệt các em học sinh được đến trường, điều này rất quan trọng, ảnh hưởng tâm lý các em trong suốt quãng đường về sau.

Trong suốt 5 tháng vừa qua, cá nhân tôi và tập thể bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy và Hồi sức COVID-19 cảm nhận rất rõ tình người trong đại dịch, tinh thần đại đoàn kết, tình yêu thương của nhân dân TP.HCM, cả nước và nước ngoài đã thấu hiểu và chia sẻ, hỗ trợ, đồng hành lực lượng chống dịch. Điều này tạo động lực rất lớn, không cho phép chúng tôi gục gã và đứng lên chiến đấu hết mình. Theo tôi, tinh thần đoàn kết đóng vai trò quyết định thành công trong vai trò chống dịch vừa qua.

"Nhìn lại 5 tháng vừa qua, có 1 chữ tôi hay nói với các bạn trẻ, sinh viên, tình nguyện viên là 1 chữ đồng: đồng lòng - tất cả chúng ta đồng lòng làm hết tất cả mọi thứ để chống dịch, đưa TP trở lại bình thường, đồng nghiệp, đồng đội, và tất cả đều hướng đến 1 chữ là đồng bào - hai chữ thân thương vô cùng, đã thúc đẩy chúng tôi đi. Tôi hy vọng trong thời gian tới với chữ đồng đó chúng ta sẽ cùng TP vượt qua dịch bệnh và đi lên", bác sĩ Lê Minh Khôi chia sẻ khi kết thúc chương trình.

* Nếu có thêm một làn sóng dịch mới xảy ra tại Việt Nam thì tiêu chí tỉ lệ tử vong sẽ cố gắng hạn chế đến mức nào? Bộ Y tế có kế hoạch đào tạo gì cho cộng đồng chủ yếu là lực lượng thanh niên tại chỗ về kỹ năng y tế trong sơ cấp cứu và hỗ trợ tiêm phòng?

- Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn: Như chúng ta đã biết, kể cả tổ chức y tế thế giới và một số nước, chúng ta đang vật lộn với đợt dịch, không chỉ tại Việt Nam mà các nước tiên tiến trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Đông Nam Á.

Như vậy, chúng ta mong đợi tỉ lệ tử vong ở mức thấp nhất để đảm bảo an toàn nhất, thực hiện đúng trụ cột thứ ba là thu dung, điều trị, giảm bệnh nhân nặng, tỉ lệ tử vong.

Chúng tôi hi vọng thời gian tới với việc phủ vắc xin, đảm bảo mức độ tạm miễn dịch cộng đồng lớn hơn 75% cho đối tượng trên 18 tuổi, tiếp tục chuẩn bị chương trình tiêm chủng vắc xin cho các em độ tuổi 12 - 18 tuổi, tăng cường năng lực của hệ thống điều trị y tế.

Chúng tôi kỳ vọng, việc xây dựng nền y tế cộng đồng, trong đó mỗi người dân bên cạnh ý thức bảo vệ mình, cũng có ý thức khi người dân gặp tai nạn, hoạn nạn thì chúng ta cùng chung tay vào cấp cứu đúng theo những khuyến cáo, đảm bảo phát hiện sớm để có thể đưa đi thu dung, điều trị.

Chúng tôi cũng xây dựng chương trình đào tạo cấp cứu trước viện, không chỉ cho anh em bác sĩ, nhân viên y tế ngành y mà còn phổ biến ra cộng đồng thông qua Hội chữ thập đỏ, các tổ chức chính trị - xã hội như Đoàn TNCS Hồ Chí Minh để xây dựng chiến sĩ tình nguyện trên tất cả lĩnh vực, các địa phương để cùng nhau chung tay phòng chống không chỉ dịch COVID-19, mà sau này khi trở về địa phương sẽ là những người cấp cứu đầu tiên cho những bệnh nhân bị tai nạn, nhồi máu cơ tim, đột quỵ…

Những kỹ năng này sẽ giúp người dân thông qua hệ thống giáo dục đào tạo của y tế, bộ giáo dục đào tạo, chúng ta sẽ xây dựng được nền tảng y tế cộng đồng tốt cho hiện nay.

* Việt Nam có hay không học được "tiền lệ" gì để "sẵn sàng" từ các nước khác trong dịch COVID-19, đặc biệt với chủng Delta? Xin thứ trưởng cho một vài ví dụ cụ thể?

- Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn: Trong 3 đợt dịch trước đây, chúng ta rất vui, tự hào chúng ta đã khống chế dịch nhanh chóng. Ngay cả từ đầu đợt dịch này, khi dịch bùng phát ở Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, chúng ta chỉ mất gần 2 tháng kiểm soát dịch.

Nhưng vào tháng 5 khi dịch bùng ở TP.HCM không phải chúng ta chủ quan lơ là, không ngủ quên trên chiến thắng. Tôi nhớ cuối tháng 5 tôi đã nhận lệnh của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Y tế điều động bộ phận thường trực đặc biệt của ngành y tế vào hỗ trợ TP.HCM phòng chống dịch.

Chúng tôi làm quần quật ngày đêm cùng với anh em trong ban chỉ đạo thành phố, đặc biệt nhận sự chỉ đạo của phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Bí thư thành ủy, Chủ tịch UBND TP, Ban chỉ đạo của ngành y tế thành phố, công tác làm việc của chúng tôi liên tục, không có phút nào mà không nghĩ đến làm sao cho dịch trên địa bàn thành phố giảm xuống.

Nhưng khi phát hiện ca đầu tiên ở địa bàn thành phố, với sự di chuyển rất lớn của F0, khi phát hiện diện rộng thì bắt đầu ngấm sâu vào các khu, địa phương, khu chợ trên địa bàn thành phố, lan tỏa khắp các địa bàn phía Nam.

Không phải do chúng ta chủ quan, lơ là, chủ quan với thành tựu trước đây mà do đặc tính biến chủng Delta lây lan nhanh, đặc biệt lây lan ở môi trường không khí kém. Việc lây lan một phần khách quan là do biến chủng, nhưng có thể thời gian đầu chúng ta chưa chuẩn bị tâm thế hết sức chủ động, có thể bị khó khăn, bối rối ban đầu nhưng do đặc điểm của đợt dịch này diễn biến phức tạp, khó lường. Tôi xin chia sẻ thẳng thắn như vậy.

Read Entire Article