Vì sao người dân đổ xô mua xăng trước giờ tăng giá?

2 years ago 136

Chuyên gia tâm lý cho rằng, đứng trước một biến động có tính bất ổn, con người có xu hướng "lấp đầy những thứ còn trống hoặc thiếu hụt, ví dụ thực phẩm, nhiên liệu...

Chiều 10/3, trước khi tan sở, Đỗ Hồng Nhung, 25 tuổi, nhân viên kế toán ở Thanh Xuân (Hà Nội) đặt ghi chú cho khỏi quên: Đi đổ xăng.

Mọi khi Nhung chỉ đổ xăng khi bình đã cạn, thậm chí có lần còn bị hết xăng giữa đường nhưng cô nghe tin ngày 11/3, giá xăng có thể tăng 2.000 đồng đến 3.000 đồng một lít. Nhà cách chỗ làm hơn 10 km, hay đi tụ tập cùng bạn bè, chưa kể thu nhập chưa tới 7 triệu một tháng nên Nhung luôn quan tâm đến giá xăng.

"Bình xăng của tôi khoảng 5 lít. Nếu ngày mai xăng lên 30.000 đồng một lít, tôi sẽ tốn thêm khoảng 20.000 đồng", cô nói. Chiều tối 10/3, Nhung đổ đầy bình chiếc xe Honda Vision, phải trả 90.000 đồng và khẳng định "giờ tôi yên tâm đi thêm được vài ngày".

Đỗ Hồng Nhung không phải người duy nhất tranh thủ đổ xăng trước ngày điều chỉnh giá. Khảo sát của VnExpress cho thấy từ sáng 10/3, lượng khách tại các cây xăng ở Hà Nội, TP HCM đều đông hơn thường ngày. Nhân viên cây xăng trên đường Lê Văn Thọ (quận Gò Vấp, TP HCM) ước tính lượng khách cao gấp đôi so với ngày 9/3.

Ở Hà Nội, nhân viên cây xăng trên đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) cho biết lượng khách tại một số điểm dọc trục đường trên địa bàn các quận Đống Đa, Thanh Xuân, Hà Đông trong buổi sáng tăng 20% so với ngày trước đó. Một số cây xăng, khách phải xếp hàng đợi 15-20 phút.

"Tôi cũng chờ hơn 20 phút mới tới lượt", Đỗ Hồng Nhung nói về tình trạng cây xăng Tam Trinh, quận Hoàng Mai lúc 17h chiều qua.

Ôtô, xe máy xếp hàng chờ đổ xăng tại một cây xăng trên đường Nguyễn Trãi (Hà Nội), chiều 10/3. Ảnh: Phạm Chiểu

Ôtô, xe máy xếp hàng chờ đổ xăng tại một cây xăng trên đường Nguyễn Trãi (Hà Nội), chiều 10/3. Ảnh: Phạm Chiểu

Theo các chuyên gia tâm lý, hiện tượng người dân đổ xô mua xăng trước ngày điểu chỉnh giá là bình thường và dễ hiểu.

"Khi đối mặt với những sự kiện lớn không thể đoán trước hướng đi, con người thường tìm kiếm sự kiểm soát trong khả năng của mình và phản xạ đầu tiên của chúng ta là lấp đầy những thứ đang trống hoặc thiếu hụt", Nguyễn Xuân Phong, thạc sĩ tâm lý ĐH Toulouse Jean Jaurès (Pháp), lý giải.

Theo ông, dù không kiểm soát được giá xăng, con người vẫn kiểm soát được lượng xăng trong xe mình và khi thấy bình xăng đã đầy, con người sẽ có cảm giác được trấn an, nhờ đó yên tâm vượt qua thử thách trước mắt.

Chuyên gia Nguyễn Thu Hương, chủ nhiệm một văn phòng tư vấn tâm lý ở quận Ba Đình (Hà Nội) đồng tình với nhận định trên. Bên cạnh lý do "lấy lại một phần sự kiểm soát", bà Hương cho rằng người dân đổ xô đi đổ xăng còn bởi sợ cảm giác bị thiệt thòi.

"Xét về văn hóa, phần lớn người Việt vẫn có tư duy tích tiểu thành đại. Việc phải bỏ nhiều tiền hơn mỗi lần đổ xăng, dù chỉ vài chục nghìn, cũng khiến chúng ta có cảm giác bị mua đắt. Đặc biệt, giá xăng đã tăng liên tục trong hai tháng qua và có thể đạt mức cao nhất từ trước tới nay nên cảm giác bị thiệt, bị mua đắt càng sâu sắc hơn", nữ chuyên gia phân tích.

Một lý do khác, là thói quen tiết kiệm của rất nhiều người. "Người có tư duy kinh tế và quản lý tài chính tốt sẽ không bao giờ bỏ qua cơ hội có thể tiết kiệm, dù ít hay nhiều", bà Hương nhấn mạnh.

Người dân xếp hàng ở cây xăng Tam Trinh (Hà Nội), nơi Đỗ Hồng Nhung đổ xăng chiều tối 10/3. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Người dân xếp hàng ở cây xăng Tam Trinh (Hà Nội), nơi Đỗ Hồng Nhung đổ xăng chiều tối 10/3. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Một lý do khác góp phần thúc đẩy người dân đi mua xăng trước ngày điều chỉnh giá là ảnh hưởng từ các phương tiện thông tin đại chúng. Theo chuyên gia tâm lý, khi những dự báo hoặc tin tức về xăng dầu thế giới liên tiếp xuất hiện, con người sẽ lo lắng hơn và tự thấy cần hành động. "Chưa kể, những đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất của giá xăng dầu là người làm nghề vận tải mà do dịch, nhóm này có xu hướng đông lên", bà Hương nói.

Trong bối cảnh giá xăng dầu leo thang, các chuyên gia khuyến cáo mỗi cá nhân thích ứng bằng cách đa dạng hóa phương tiện đi lại, ví dụ phương tiện công cộng hoặc xe đạp, vừa giảm gánh nặng cho bản thân vừa bảo vệ môi trường.

Nếu cảm thấy quá lo lắng khi tương tai không thể đoán trước, bạn có thể lấy lại sự kiểm soát bằng cách tự sản xuất một thứ gì đó như rau sạch, trứng gà trong nhà. "Những việc này tuy không giảm gánh nặng về tiền xăng nhưng giúp chúng ta cảm thấy chủ động hơn, cải thiện chất lượng cuộc sống và cả bữa ăn", thạc sĩ Phong nói.

Với Đỗ Hồng Nhung, cô tự đưa ra giải pháp là bớt đi chơi với bạn bè và lên chiến lược đổ xăng trước những kỳ điều chỉnh giá (ngày 1, 11 và 21 hàng tháng).

"Tiết kiệm được chừng nào hay chừng đó", nữ kế toán nói.

Minh Trang

Read Entire Article