Vợ lười việc nhà

1 year ago 91

Nửa tháng nay, anh Nguyễn Hùng không được ăn bữa cơm nhà nào. Sáng và trưa cả nhà ăn quán còn bữa tối vợ anh gọi đồ ăn về.

Những bữa cơm vẫn đủ các món và còn được thay đổi liên tục nhưng anh vẫn thấy buồn bực vì bếp lạnh tanh. Tuần trước, bà nội gửi lên cho con gà và ít cá, chị Thu Hồng, vợ anh, chỉ trả thêm tiền cho giúp việc theo giờ nhờ chế biến chứ không đụng tay. "Bát đũa có bữa tôi rửa, có bữa để sáng hôm sau giúp việc đến rửa", anh chồng than.

Anh Hùng, 34 tuổi, làm cho một công ty công nghệ ở Cầu Giấy (Hà Nội), vợ là một quản lý cấp trung ở một ngân hàng. Họ có con trai bốn tuổi, ngoan ngoãn, khỏe mạnh. Anh khá hài lòng về kinh tế gia đình, vợ biết đối nội đối ngoại, chỉ buồn vì chị Hồng hiếm khi đụng đến việc nhà. Mọi việc trong nhà, từ đưa đón con cho đến bếp núc, dọn dẹp chị đều thuê người. Ngoài giờ làm, chị tập yoga, cà phê với đối tác, bạn bè, tối ôm con ngủ.

Ngày 28 Tết, hai vợ chồng về nhà nội ở Quảng Bình nhưng chị Hồng vẫn ôm máy tính suốt ngày. Anh Hùng gọi vợ ra cầm gà để mình cắt tiết, dọn dẹp nhà cửa cho có không khí Tết nhưng chị Hồng từ chối, nói cần xử lý gấp nhiều công việc. "Nếu anh và bố mẹ không thể dọn dẹp được để đấy em thuê người", cô vợ đáp gọn khiến chồng ấp ức.

Câu chuyện của nhà anh Hùng có thể dễ dàng bắt gặp ở nhiều gia đình trẻ. Những người như vợ anh được các chuyên gia tâm lý và hôn nhân gia đình gọi là "sự lười nhác của phụ nữ thông minh". "Nếu một giờ làm việc tạo ra thu nhập cho cả gia đình, cao hơn nhiều so với một giờ dọn dẹp, họ nhường việc dọn dẹp cho người khác để có thời gian nghỉ ngơi, chăm sóc bản thân, trò chuyện với chồng, con... thì tại sao không?", chuyên gia tâm lý Trần Kim Thành, Giám đốc Trung tâm Coaching Hạnh Phúc, tác giả sách "5 Bước đơn giản để có mối quan hệ hoàn hảo", lý giải.

Nhưng các ông chồng hiếm khi hài lòng với vợ. Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Tâm, (TP HCM) cho rằng, đa số đàn ông đều muốn vợ tự tay làm việc nhà, chăm sóc con cái nhưng nếu bảo chồng làm thì "100 ông có 99 ông ngại". "Phụ nữ hiện đại tham gia vào lực lượng lao động xã hội. Nếu bắt họ vừa phải đi làm, vừa phải lo việc nhà chu toàn thì sao họ có sức", bà Tâm nói.

Nhận định của bà Tâm trùng với kết quả nghiên cứu Nam giới và Nam tính trong một Việt Nam hội nhập, dựa trên khảo sát hơn 2.500 nam giới, năm 2020, của viện Nghiên cứu và phát triển xã hội (ISDS). Có 95% đàn ông cho rằng họ làm việc nhà là giúp đỡ phụ nữ. Gần 83% đàn ông nghĩ phụ nữ nên chịu đựng và hy sinh để giữ gia đình hạnh phúc.

"Về thực chất, những quan niệm này củng cố ưu thế và đặc quyền của nam giới đối với phụ nữ, hạn chế các cơ hội nâng cao quyền tự chủ về kinh tế của phụ nữ và biện minh cho sự phân biệt đối xử trên cơ sở giới tại nơi làm việc cũng như trong gia đình và ngoài xã hội", nghiên cứu nhìn nhận.

Chị Thu Hồng cho biết, áp lực trong ngành ngân hàng là hàng giờ, hàng ngày. Càng về cuối năm, chị càng bù đầu với các hợp đồng xin đáo hạn, tra soát nợ... Dù được nghỉ Tết, một số công việc chị vẫn phải xử lý online.

"Lương tôi một ngày có thể thuê được ba giúp việc làm cả tháng, sao tôi lại phải còng lưng ra làm những việc tay chân vốn không quen, lại không đảm bảo yêu cầu công việc chuyên môn", chị lý giải.

Những năm mới kết hôn, chị Hồng chiều theo ý chồng. Mỗi sáng phải dậy từ 5h lo chợ búa, chuẩn bị đồ ăn, tối lại lao đi đón con, cơm nước. Dịp Tết, chị bật chuông điện thoại thật to, đang lau nhà cũng bỏ đấy xử lý công việc. "Tôi kiệt sức", chị nói và quyết định "thức tỉnh" theo lời khuyên của đồng nghiệp.

Vợ chồng chị nhiều lần tranh luận về việc này, nhưng anh Hùng vẫn cho rằng chị trốn tránh trách nhiệm, không vun vén cho gia đình. "Ở quê chồng tôi lúc nào cũng bị chê là dâu lười, mà tôi kệ", chị kể. Đây là nguồn cơn của những lục đục trong gia đình.

Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Tâm, vẫn có một số phụ nữ lười, đủ thời gian, khả năng nhưng không muốn làm việc nhà, còn lại, đa phần do quá bận rộn với công việc bên ngoài. "Ngày nay, cha mẹ cũng giáo dục con gái nỗ lực xây dựng sự nghiệp. Họ coi trọng học vấn hơn tề gia nội trợ, vì vậy, người phụ nữ trưởng thành cũng không còn buộc mình vào gian bếp nữa", bà nói.

Vòng Phối (29 tuổi, ở Biên Hòa, Đồng Nai) là một ví dụ. Cô là con gái duy nhất trong gia đình nhưng biết kiếm tiền từ năm 17 tuổi. Mẹ cô dành làm hết việc nhà để Vòng Phối đầu tư thời gian cho việc học và phát triển sự nghiệp. Khi yêu, cô thẳng thắn với bạn trai "không biết và không muốn làm việc nhà". Người yêu cô xem đó là chuyện bình thường, khi có đủ kinh tế thuê giúp việc.

Nhưng 7 năm liền, mẹ bạn trai không ủng hộ chuyện tình yêu của họ vì thấy Phối "chẳng làm được việc gì trong nhà". Hai năm về làm dâu, Vòng Phối thuê thêm giúp việc phụ việc nhà vì phải đi tối ngày. Tình cảm mẹ chồng nàng dâu vì thế càng không được cải thiện. "Tôi hỏi mẹ chẳng buồn ra lời. Thế nhưng ba chồng thì bảo lo kinh tế có tiền thuê giúp việc cần gì làm", cô kể.

Ba tháng sau sinh con, Vòng Phối thôi cho bé bú sữa mẹ. Cô nhờ mẹ đẻ chăm sóc con cả ngày lẫn đêm.

Vòng Phối trong một chuyến du lịch Nha Trang, năm 2018. Ảnh nhât vật cung cấp

Vòng Phối trong một chuyến du lịch Nha Trang, năm 2018. Ảnh nhât vật cung cấp

Chuyên gia tâm lý Kim Thành cho rằng Vòng Phối thuê giúp việc để phụ giúp việc nhà không có gì đáng phải chê trách. Nhưng là người mẹ nuôi con nhỏ, cô nên cân bằng thời gian để chăm sóc con tốt hơn, đồng thời bàn bạc với chồng về những quyết định liên quan đến nuôi con.

Bà Thành tin rằng xã hội sẽ dần chấp nhận xu hướng phụ nữ ít làm việc nhà hơn xưa, khi họ trở thành lực lượng kinh tế trong gia đình và xã hội. Nhưng nếu những phụ nữ như chị Thu Hồng hay Vòng Phối biết cách ít làm việc nhà, mà vẫn đảm bảo dạy con, quan tâm chồng, họ hàng,... thì sự lười đấy mang lại nhiều lợi ích và hạnh phúc hơn cho bản thân, gia đình và xã hội.

Vòng Phối đã có cơ hội vun vén cho tổ ấm khi tạm thời phải nghỉ ở nhà do Covid bùng phát mạnh tại TP HCM năm ngoái. Rảnh rỗi, cô và các em chồng lên mạng học những món họ thích để cả nhà thưởng thức. Thấy các con quây quần vui vẻ, nàng dâu học là biết nấu những món ngon, mẹ chồng dần thay đổi cách nghĩ về cô.

"Có tôi về làm dâu, chồng hay về nhà ăn cơm tối hẳn, mấy cô em chồng cũng hay tụ tập. Nhờ vậy, gia đình gắn bó hơn", Vòng Phối kể. Từ ghét con dâu ra mặt, mẹ chồng thân thiết với cô như mẹ và con gái.

Các chuyên gia khuyên vợ chồng nên thảo luận, bàn bạc, đưa ra quyết định về làm việc nhà. Khi vợ đã đi làm, mang lại kinh tế gia đình thì chồng cũng cần chia sẻ.

Nghiên cứu của ISDS cũng cho thấy đã có sự chuyển đổi tích cực so với phân công lao động truyền thống. Theo đó, nam giới càng trẻ tuổi (18-29 tuổi) càng có xu hướng chia sẻ việc nhà với phụ nữ. Thanh niên ở đô thị (38,8%) chia sẻ việc nhà với vợ mình nhiều hơn thanh niên ở nông thôn (29,4%).

Tuy nhiên, chuyên gia Kim Thành gợi ý, trong trường hợp cả hai vợ chồng cùng bận rộn công việc, hãy chủ động tìm những nguồn lực khác và sắp xếp công việc. Cả vợ và chồng nên cố gắng để mỗi ngày cả gia đình có thể ăn một bữa cơm chung, có thời gian để hỏi han, trò chuyện để biết tâm tư, tình cảm, khó khăn của người kia, cùng chia sẻ và nâng đỡ nhau kịp thời...

Khi con đã lớn, cha mẹ nên chủ động san sẻ việc nhà, giảm sự bận rộn cho cha mẹ và giúp đầu óc con linh hoạt, xây dựng thói quen, kỹ năng và phẩm chất cần thiết.

Chị Thu Hồng nhận ra mình cần điều chỉnh lại công việc để có nhiều thời gian cho chồng con hơn. Đồng thời, chị muốn chồng thấu hiểu và san sẻ. "Bước đầu tiên, tôi sẽ rủ bạn bè về nhà, chia sẻ chuyện chồng họ giúp vợ thế nào để anh hiểu. Không phải rửa vài cái bát cho vợ là mặt nặng mày nhẹ", chị lập kế hoạch.

Phạm Nga

Read Entire Article