Xơ gan từ quá trình dài gan nhiễm mỡ nhưng chẳng ai chịu lo

1 year ago 106

Xơ gan từ quá trình dài gan nhiễm mỡ nhưng chẳng ai chịu lo - Ảnh 1.

Tọa đàm được tổ chức hưởng ứng Ngày Sức khoẻ tiêu hoá thế giới 29-5 - Ảnh: BTC

Đây là chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Thị Vân Hồng, nguyên phó trường khoa tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai tại tọa đàm "Khỏe tiêu hóa, khỏe hơn mỗi ngày" do báo Sức khỏe đời sống và Viện Dinh dưỡng quốc gia tổ chức nhân Ngày Sức khỏe tiêu hóa thế giới 29-5.

Gan nhiễm mỡ sau 20 năm tiến triển thành xơ gan

Bác sĩ Hồng thông tin theo khảo sát tại khoa tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai trong tháng 4-2022 có khoảng hơn 2.000 bệnh nhân đến khám ngoại trú, trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận 229 ca.

Một trong những nhóm bệnh nhân điều trị nội trú cao nhất tại khoa tiêu hóa bệnh viện hiện nay là điều trị xơ gan khi chiếm 50% lượng bệnh nhân nội trú. Điều đáng nói, bệnh xơ gan chủ yếu bắt nguồn từ thói quen ăn uống, sinh hoạt gây gan nhiễm mỡ dẫn đến xơ gan.

Theo bác sĩ Hồng, gan là một trong số ít tạng có khả năng phục hồi nhu mô bị mất. Nếu khối lượng gan bị mất dưới 25% vẫn có thể khôi phục. Đây là cơ sở quan trọng trong các thủ thuật ghép gan, cắt bỏ gan xơ hoặc khối u ở gan.

"Về bệnh gan nhiễm mỡ, do uống rượu gây ra tình trạng gan nhiễm mỡ rất nặng. Với người không uống rượu, tình trạng lắng đọng mỡ trong gan, viêm gan, có thể chữa ở giai đoạn này tốt bệnh sẽ được đẩy lùi. Đa phần các trường hợp gan nhiễm mỡ nằm trong độ tuổi từ 40 đến 60. Thế nhưng, gần đây chúng tôi đã tiếp nhận những ca mắc ở độ tuổi 30.

Giai đoạn lắng đọng mỡ trong gan chuyển sang viêm gan do gan nhiễm mỡ, chuyển sang xơ gan chu kỳ kéo dài 20 năm. Cứ 20 năm sẽ chuyển nếu phát hiện sớm, chữa sớm có thể điều trị được bệnh, nhưng ở Việt Nam đa số ít người được điều trị sớm", bác sĩ Hồng nói.

Xơ gan từ quá trình dài gan nhiễm mỡ nhưng chẳng ai chịu lo - Ảnh 2.

Thức ăn nhanh, dầu mỡ gây ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa - Ảnh: DƯƠNG LIỄU

Bác sĩ Hồng cho biết chế độ ăn gây ra gan nhiễm mỡ gồm dùng nhiều đồ ăn nhanh, đồ dầu mỡ, đồ uống như trà sữa,… Điều trị gan nhiễm mỡ ở giai đoạn đầu không cần phải sử dụng thuốc hay phẫu thuật, mà điều quan trọng nhất là giảm bớt yếu tố nguy cơ như hạn chế và tránh các loại đồ uống có cồn, kiểm soát lượng Cholesterol và đường máu, giảm cân khi thừa cân.

"Nếu bạn mắc gan nhiễm mỡ do béo phì hoặc do thói quen ăn uống, thì tập thể dục thể thao nhiều hơn là điều không thể thiếu, đồng thời loại bỏ những thực phẩm không tốt cho sức khỏe; ăn nhiều hoa quả tươi, rau xanh và ngũ cốc. Bên cạnh đó, hãy thay thế thịt đỏ (ví dụ: thịt bò) bằng những loại thịt có protein ít béo như thịt gà hay cá", bác sĩ Hồng khuyến cáo.

10% dân số mắc các bệnh đường tiêu hóa

Theo GS.TS Lê Danh Tuyên, viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia - tại Việt Nam có tới 10% dân số mắc các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa và đáng lo ngại hơn khi những trường hợp mắc bệnh này đang có sự gia tăng đáng báo động.

Các bệnh đường tiêu hóa thường gặp bao gồm táo bón, bệnh tiêu chảy, trào ngược dạ dày thực quản, bệnh trĩ,… những bệnh tưởng chừng đơn giản nhưng nếu không được điều trị kịp thời, kéo dài sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống hàng ngày của người bệnh.

"Đường tiêu hóa, cụ thể là đường ruột, nơi tập trung tới hơn 70% thành phần hệ miễn dịch. Hệ tiêu hóa khỏe mạnh là hệ tiêu hóa hỗ trợ hệ miễn dịch mạnh mẽ, bảo vệ cơ thể trước các tấn công liên tục từ tác nhân gây bệnh trong thức ăn", ông Tuyên nhấn mạnh.

Theo bác sĩ Hồng, người dân còn chưa chú trọng đến việc kiểm tra sức khỏe đường tiêu hóa.
"Chúng tôi khuyến cáo, người dân trên 40 tuổi phải nội soi đường tiêu hóa định kỳ 1 năm/lần để loại trừ các vấn đề về đường tiêu hóa. 

Tuy nhiên, số người trên 40 tuổi thực hiện nội soi tiêu hóa chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ. Do vậy có trường hợp phát hiện ung thư dạ dày, ung thư đại tràng ở giai đoạn muộn. Nếu thực hiện theo khuyến cáo đã nêu có thể phát hiện bệnh giai đoạn sớm hơn.

Ông Tuyên cũng khuyến cáo chế độ ăn khoa học, lành mạnh "ăn đúng và ăn đủ" theo tháp dinh dưỡng hợp lý. 

Chế độ ăn ngoài việc cung cấp đủ năng lượng, chất đạm còn cung cấp đủ các vitamin và chất khoáng tham gia trong hệ thống miễn dịch như vitamin A, D, K, E, sắt, kẽm, selen, flavonoid và probiotic. Bên cạnh đó, người dân cần tập thể dục thường xuyên để nâng cao sức khỏe.

Read Entire Article