Thứ trưởng Y tế: 'Tăng hạn sử dụng không ảnh hưởng chất lượng vaccine'

2 years ago 232

Ông Trần Văn Thuấn khẳng định quan điểm nêu trên tại họp báo thường kỳ Chính phủ, chiều 2/12, khi trả lời về vấn đề tăng hạn sử dụng hai lô vaccine Pfizer để tiêm cho trẻ.

Theo đó, ông Thuấn phân tích, việc gia hạn sử dụng vaccine Pfizer được áp dụng chung trên toàn cầu, "chứ không riêng ở Việt Nam".

"Việc gia hạn được kiểm định khắt khe, đảm bảo chất lượng, an toàn, hiệu quả, được cơ quan quản lý Dược phẩm Hoa Kỳ và châu Âu phê duyệt. Các lô vaccine Pfizer có hạn sản xuất 6 tháng thì tăng lên 9 tháng. Các quốc gia trên thế giới cũng thực hiện điều này", Thứ trưởng Thuấn nói và cho biết, thời gian tới, "nhà sản xuất có thể nghiên cứu tăng hạn sử dụng của loại vaccine này lên 12, 18, thậm chí là 24 tháng".

Tại Việt Nam, quá trình vận chuyển vaccine luôn bảo quản ở điều kiện phù hợp. "Tất cả vaccine đều được Viện vaccine và sinh phẩm quốc gia kiểm định chất lượng. Việc tăng thời hạn sử dụng không ảnh hưởng đến chất lượng", ông Thuấn nói.

 Nhật Bắc

Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn. Ảnh: Nhật Bắc

Về tiêm liều thứ ba cho người trưởng thành (từ 18 tuổi), Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết hiện Việt Nam đã tiêm được tổng số 125 triệu liều vaccine. Trong đó 94% dân số trưởng thành được tiêm mũi một; 68% tiêm đủ liều. Nhiều tỉnh, thành đã tiêm đủ liều cho 80-90% người trưởng thành.

"Việc tiêm đủ liều cơ bản có vai trò rất quan trong trong chống dịch nên cần ưu tiên tối đa. Để tăng cường miễn dịch Covid-19 cho những người đã tiêm đủ liều, thời gian tới Việt Nam sẽ tiêm liều bổ sung và liều nhắc lại cho người trưởng thành đã tiêm đủ liều", ông Thuấn cho biết.

Cụ thể, liều bổ sung tiêm cho người từ 18 tuổi, trong đó ưu tiên người từ 50 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản (tiêm một hoặc hai hoặc ba mũi tùy theo loại vaccine), suy giảm miễn dịch vừa và nặng. Họ được tiêm cùng loại vaccine với liều cơ bản hoặc tiêm trộn vaccine công nghệ mRNA (như Pfizer, Moderna), tùy nguồn cung.

Liều nhắc lại tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản hoặc liều bổ sung, ưu tiên người có bệnh nền, người cần được chăm sóc dài hạn tại các cơ sở y tế, người từ 50 tuổi trở lên, người trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19, nhân viên y tế.

Theo ông Thuấn, đến nay Việt Nam đã có hợp đồng, cam kết 200 triệu liều vaccine. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Y tế đang đàm phán với các công ty, đối tác để tiếp tục cung ứng vaccine cho Việt Nam, đặc biệt là Pfizer và Astra Zeneca. "Chúng ta sẽ đủ vaccine để tiêm nhắc lại và tiêm liều tăng cường trong thời gian tới", ông Thuấn nói.

Theo Giấy chứng nhận xuất xưởng vaccine, hai lô Pfizer số 124001 và 123002 có thời hạn sử dụng ghi trên nhãn là ngày 30/11. Tuy nhiên, hôm 22/10, theo đề nghị của Công ty Pfizer Việt Nam, Cục Quản lý Dược cho phép tăng hạn dùng lên 9 tháng ở điều kiện bảo quản âm 90 độ C đến 60 độ C. Quyết định tăng hạn dùng này căn cứ kết luận củaHội đồng tư vấn cấp Giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc. Công ty Pfizer Việt Nam phải chịu trách nhiệm về chất lượng đối với vaccine lưu hành trên thị trường.

Hai lô này đã được Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương phân bổ cho các địa phương (trong đó có Hà Nội) vào ngày 25/11, để tiêm cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi. Như vậy, hạn sử dụng của hai lô vaccine này được tăng lên 3 tháng so với thời hạn ghi trên nhãn.

Ngày 1/12, TP Hà Nội quyết định tạm dừng tiêm 2 lô vaccine tăng hạn sử dụng và đang xin ý kiến chuyên môn của Bộ Y tế.

Thủ tướng yêu cầu rà soát việc bảo quản, tổ chức tiêm vaccine Hà Nội dừng tiêm hai lô vaccine tăng hạn sử dụng

Hoàng Thùy - Viết Tuân

Read Entire Article