"Thuật" dùng người của CEO Trần Nguyễn Đăng Vinh: Dù có khó khăn, không đẩy phần thiệt về phía nhân viên

2 years ago 304

Khởi nghiệp từ trước tuổi 30, Trần Nguyễn Đăng Vinh – TGĐ của Công ty Cổ phần Truyền thông Trải nghiệm SAM - một trong những Agency trẻ và triển vọng - đã từng có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực truyền thông ở nhiều thị trường khác nhau như Singapore, Việt Nam, Indonesia và Canada. Quyết định từ bỏ công việc ổn định ở Canada để về nước khởi nghiệp, dấn thân vào một cuộc thử thách mới, những câu chuyện của Trần Nguyễn Đăng Vinh đã vẽ nên bức chân dung đầy cá tính về một người trẻ dám sống, dám trải nghiệm để khám phá những giới hạn cao hơn của bản thân.

 Dù có khó khăn, không đẩy phần thiệt về phía nhân viên - Ảnh 1.

Điều gì đã khiến Trần Nguyễn Đăng Vinh chọn học, theo đuổi và khởi nghiệp trong ngành truyền thông dù truyền thống của gia đình là trở thành giáo viên?

Khi học hết cấp 3, tôi tình cờ đạt được một học bổng du học tại Indonesia. Khi đó chỉ nghĩ là mình được học bổng thì mình cứ đi thôi, chưa định hướng theo ngành nào hết. Sang tới đó mới thấy, trong rất nhiều ngành đào tạo, ngành PR – Truyền thông có vẻ hợp với mình nhất. Vào thời điểm đó, tôi tự "định vị" bản thân là một người không quá xuất sắc, lại không hề giỏi các môn tự nhiên, nên dù khi đó ngành Tài chính Ngân hàng đang rất "hot" thì mình cũng thiên về lựa chọn các môn xã hội và ngành học có thể phát huy khả năng sáng tạo của bản thân; hơn nữa, gia đình mình cũng không phải là có điều kiện, nên ưu tiên cho các ngành học mà sau này về nước có thể tìm được công việc ngay.

 Dù có khó khăn, không đẩy phần thiệt về phía nhân viên - Ảnh 2.

Ngành PR - Truyền thông lúc đó còn khá mới mẻ, thậm chí khi nói học ngành này, mẹ tôi còn tưởng là đi làm biển quảng cáo; mẹ tôi là giáo viên, bà cũng định hướng cho tôi trở thành một giáo viên, nhưng tôi lại muốn đi con đường riêng của mình! Ở Việt Nam lúc đó PR – Truyền thông chủ yếu chỉ được đào tạo dưới dạng các khoá học ngắn hạn, chưa có nơi nào đào tạo chuyên sâu, nên nếu sau này về nước, có vốn tiếng Anh khá, có bằng cấp nước ngoài thì tính cạnh tranh của mình sẽ cao, sẽ dễ dàng tìm được việc làm.

Vậy là từ khi còn nhỏ, mục tiêu "đi làm – kiếm tiền" của Trần Nguyễn Đăng Vinh đã rất rõ ràng?

Đúng vậy! Tôi sinh ra trong một gia đình không giàu có, mẹ tôi là một bà mẹ đơn thân, nuôi hai anh em tôi bằng đồng lương giáo viên. Do vậy, từ nhỏ đã luôn có ý nghĩ mình phải trưởng thành sớm để phụ giúp mẹ, phải làm gì đó để thay đổi cuộc đời, thay đổi tương lai. Cũng bởi thế, ý thức kiếm tiền của tôi có từ rất sớm. Ngay từ năm cấp 2 tôi đã biết kiếm tiền từ việc nhận photo tài liệu cho các bạn cùng lớp, cùng khối hay thậm chí là các anh chị lớp lớn cùng trường. Ngày đó, mỗi sáng trước khi đến trường, mẹ lại chở tôi qua một hàng photo cũ gần ĐH Giao thông Vận tải để photo tài liệu cho mọi người. Tôi chỉnh sửa lại tài liệu, đóng thành từng cuốn cẩn thận, gọn gàng, đẹp đẽ… và kiếm lời từ đó.

 Dù có khó khăn, không đẩy phần thiệt về phía nhân viên - Ảnh 3.

Những năm 17 – 18 tuổi, đối với tôi, thành công chỉ đơn giản là đi làm càng sớm càng tốt và kiếm ra tiền càng sớm càng tốt. Bởi vậy, khi đi du học, tôi cũng lựa chọn ngành học dựa trên khả năng của bản thân và hoàn cảnh gia đình để đảm bảo cho mình một con đường "sáng" nhất có thể.

Các du học sinh Việt khi sang nước ngoài thường vừa học vừa tranh thủ đi làm để kiếm thêm, một người luôn có ý tưởng phải kiếm tiền sớm như Đăng Vinh, thời gian này có gì đặc biệt?

Tôi cố gắng hoàn thành các tín chỉ cần thiết để được đi thực tập sớm, cho nên trong thời điểm các bạn cùng học bắt đầu đi thực tập thì tôi đã bắt đầu đi làm chính thức rồi. Lúc đó tôi cảm thấy việc học dường như vẫn chưa "đốt" hết năng lượng của tôi, nên tôi cần phải đi làm thêm để "giải toả" nguồn năng lượng tuổi trẻ. Khi đó, những người trẻ đi du học thường có một giấc mơ chung là sau khi về nước với tấm bằng nước ngoài, sẽ được các công ty lớn "lót thảm" đón chào. Tôi cũng vậy, nên tôi cần làm việc để có kiến thức thực tế, cọ xát với thực tế nhiều hơn, chuẩn bị cho mình những kĩ năng và yêu cầu cần thiết để khi cơ hội đến, mình có đủ năng lực để nắm bắt! Đi làm sớm cho tôi cảm giác tự hào vì nghĩ mình đã thành công rồi. Càng dấn thân vào công việc này, tôi càng cảm thấy mình đã chọn đúng ngành nghề, càng làm việc càng cảm thấy đam mê và nhiều năng lượng.

 Dù có khó khăn, không đẩy phần thiệt về phía nhân viên - Ảnh 4.

Trong profile, Đăng Vinh đã từng "kinh qua" rất nhiều thị trường khác nhau như Singapore, Indonesia, Canada và Việt Nam. Có lý do đặc biệt nào cho những sự thay đổi này?

Tôi du học ngành PR ở Indonesia và Singapore. Trong quá trình học tập, tôi có đầu quân cho các tập đoàn truyền thông lớn ở đó, sau thì về Việt Nam làm việc một thời gian. Tôi sang Canada cùng với gia đình, khi mẹ tôi tới đó định cư. Công việc ở Việt Nam lúc đó đang rất thuận lợi, nhưng tôi vẫn quyết định bỏ lại tất cả để sang Canada chỉ với một suy nghĩ duy nhất là đi để tìm câu trả lời cho điều tôi luôn trăn trở: liệu mình thành công, con đường sự nghiệp của mình dễ dàng như vậy là do mình có năng lực hay đơn giản chỉ do may mắn?

Lúc đó, tôi khá tự tin vào bản thân bởi đã có nhiều kinh nghiệm làm việc trong các tập đoàn lớn ở nhiều nước châu Á. Người Việt sang Canada phần lớn đều phải kiếm tiền bằng các công việc lao động chân tay, rất ít người có thể quay lại với công việc văn phòng như khi còn ở trong nước, bởi khoảng cách về trình độ, ngôn ngữ và văn hoá… nhưng tôi thì luôn không nghĩ rằng mình sẽ nằm trong số đông đó. Tôi nộp đơn xin việc vào rất nhiều công ty, tập đoàn lớn nhỏ ở Canada, nhưng đều trượt vì rất nhiều lí do, trong đó lý do không hiểu biết thị trường, văn hoá bản địa là chủ yếu. Nhưng sau đó, tôi được nhận làm Brand Manager cho một tờ tạp chí song ngữ do một người gốc Việt làm chủ và được tiếp tục công việc đúng với ngành nghề của mình.

Và Đăng Vinh khi đó đã tìm được câu trả lời nào cho nỗi trăn trở của mình?

Sau 5 năm ở Canada thì tôi trở về Việt Nam, vì Canada không nằm trong mục tiêu của tôi, tôi đã tìm được câu trả lời nên quyết định quay về để thử thách bản thân một lần nữa, trong một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ khác là kinh doanh. Những điều đã trải qua cho tôi cái nhìn sâu sắc rằng mình là người có khả năng, quá trình tích luỹ kĩ năng, kinh nghiệm của mình là có giá trị, song năng lực và may mắn luôn song hành với nhau để tạo nên tôi như ngày hôm nay. Cho đến bây giờ, tôi vẫn luôn cảm thấy mình may mắn hơn rất nhiều người, bởi có rất nhiều người giỏi giang hơn tôi, nhưng họ vẫn chưa gặp đúng "thời" của mình. Ý thức được về sự may mắn giúp cho tôi hiểu rằng mình phải luôn sẵn sàng để nắm bắt những "vận may" của mình.

Thời gian làm việc ở Canada là một thử thách song cũng là một cơ hội để tích luỹ kinh nghiệm, có hiểu biết phong phú hơn về thị trường quốc tế, làm dày thêm profile của mình và cũng là "lời giải" cho cơn "khủng hoảng tuổi 25" thường thấy ở cánh đàn ông: "Tôi là ai? Tôi có thể làm gì?".

 Dù có khó khăn, không đẩy phần thiệt về phía nhân viên - Ảnh 5.

Tự nhận mình là một người hiếu thắng, Đăng Vinh có nghĩ rằng "hiếu thắng" cũng là một trong những tố chất cần thiết của một người sáng lập?

Tôi là người có cái nhìn khá cân bằng về mọi thứ. Tôi quan điểm rằng thay vì phân biệt rõ trắng/đen, đúng/sai thì ta nên đặt các cặp phạm trù vào từng hoàn cảnh cụ thể rồi mới phán xét, khi đó, ta sẽ thấy, thực ra hiếu thắng hay thực dụng đều chẳng có gì xấu cả, thậm chí đó là những phẩm chất tốt nếu như người ta biết vận dụng đúng hoàn cảnh, và tiết chế nó ở một mức độ nhất định.

Bản thân tôi là người rất hiếu thắng, nhưng tôi cũng là người sinh ra để lập kế hoạch. Trước khi đưa ra một quyết định nào đó, tôi thường đưa ra nhiều khả năng: nếu thành công thì có lợi ích gì, nếu thất bại thì sẽ tổn thất ra sao… cân nhắc khá kĩ càng giữa được và mất, khi thấy khả năng thành công cao hơn thì tôi mới bắt tay vào thực hiện, vì tôi không bao giờ muốn mình thất bại. Tôi luôn đề ra mục tiêu cho mình, cả mục tiêu dài hạn và ngắn hạn, rồi nỗ lực hết sức đến khi đạt được mới thôi. Tính hiếu thắng có mặt tốt là nó giúp cho bạn phải luôn cố gắng, luôn tìm cách để đạt tới thắng lợi cuối cùng, thúc đẩy bạn luôn tiến lên, luôn phát triển để trở nên tốt hơn, mạnh hơn, vươn cao hơn. Trong trường hợp của tôi, tính hiếu thắng là điều đã thúc đẩy tôi luôn khám phá, luôn thử thách, đẩy bản thân tới những giới hạn cao hơn của năng lực và giúp tôi trở thành một người sáng lập, lãnh đạo một công ty.

 Dù có khó khăn, không đẩy phần thiệt về phía nhân viên - Ảnh 6.

Đại dịch Covid-19 là một "cơn địa chấn lớn" đối với các ngành kinh tế, ảnh hưởng tới tất cả các ngành nghề, khiến cho thị trường biến động, vậy Đăng Vinh và SAM đã làm gì để vượt qua giai đoạn khó khăn này?

Khi xảy ra đại dịch, thị trường bị biến động, không chỉ các công ty nhỏ, các Agency non trẻ gặp khó khăn, điêu đứng mà ngay cả các "ông lớn" có tên tuổi trong ngành Truyền thông cũng phải "xem lại mình", tìm kiếm khách hàng mới, đưa ra một bảng giá tốt hơn… dẫn tới việc cạnh tranh trở nên gay gắt và khốc liệt hơn. Thêm vào đó, thời đại bây giờ đánh dấu sự lên ngôi của mạng xã hội và kĩ thuật số, người ta dần cắt giảm những phương thức PR truyền thống, trong khi tỉ trọng chính của SAM vẫn là PR. Bởi vậy, để tăng tính cạnh tranh của mình, trước hết SAM cần vạch ra những bước đi rõ ràng, và phát triển các kỹ năng về digital, social để phù hợp với yêu cầu hiện đại; hiểu rõ và tập trung vào thế mạnh của mình để đánh thị trường, bên cạnh các job ngắn hạn, cần tập trung vào các cơ hội lâu dài hơn, đồng hành cùng thương hiệu, doanh nghiệp để phát triển bền vững hơn.

Như người ta hay nói "con nhà nghèo thì phải chịu khó", các Agency non trẻ cần mang đến cho khách hàng những giá trị nhiều hơn mong đợi, thuyết phục họ bằng dịch vụ chu đáo, sản phẩm chất lượng và giá cả hợp lý. Để củng cố niềm tin nơi khách hàng, những "người mới" phải cố gắng hơn rất nhiều, luôn đảm bảo sự chuyên nghiệp và làm hài lòng đối tác.

 Dù có khó khăn, không đẩy phần thiệt về phía nhân viên - Ảnh 7.

Môi trường làm việc sáng tạo, mỗi cá nhân là một cá tính, một màu sắc riêng, vậy Đăng Vinh đã làm gì để dung hoà những "màu sắc" đa dạng đó vào một tập thể đoàn kết?

Đặc trưng của làm truyền thông, quảng cáo là ai cũng có một chút "máu nghệ sĩ" trong người. Bản thân tôi khi lựa chọn nhân viên đều thích mỗi người có một cá tính đặc biệt, một màu sắc độc đáo chứ không mờ nhạt. Tuy nhiên, để dung hoà những cá nhân đó vào trong một tập thể cũng cần có sự khéo léo như là việc sắp xếp các màu sắc nổi bật để tạo nên một bức tranh tổng thể hài hoà. Ở SAM, chúng tôi gắn kết bởi sự vui vẻ, cởi mở với nhau mà mọi người hay gọi là "XÀM". Chúng tôi đề cao sự chân thật, tin tưởng lẫn nhau trong quan hệ đồng nghiệp, quan hệ giữa người với người. Tại SAM, mỗi ngày đều có một khoảng thời gian dành riêng cho việc gắn kết thành viên, gọi là "giờ để XÀM" (từ 16h-16h30 trở đi); khi đó, chúng tôi sẽ thoải mái trò chuyện, pha trò, gọi đồ ăn vặt về để cùng "liên hoan"… Trong thời gian nghỉ giãn cách, cũng vào tầm giờ đó, các thành viên công ty lại vào group chung để nói chuyện vui, còn tôi thì thường đặt trà sữa hay nến thơm, những món quà tinh thần nho nhỏ gửi tặng nhân viên để bày tỏ sự quan tâm của mình. Bởi vì tôi tin rằng đại dịch có thể chia cắt chúng ta về địa lý nhưng sẽ không thể tạo ra khoảng cách trong mối quan hệ con người.

Nếu xảy ra bất đồng giữa khách hàng và nhân viên, Đăng Vinh sẽ đứng về phía nào?

Đối với tôi, nhân viên là tài sản lớn nhất của công ty. Tôi thường nói với nhân viên của mình rằng khách hàng có thể đến hoặc đi, chúng tôi sẽ khó có thể kiểm soát được việc đó, nhưng nhân viên có lựa chọn ở lại với mình hay không lại hoàn toàn nằm trong khả năng của mình. Là người làm dịch vụ, chúng tôi luôn đặt sự hài lòng của khách hàng lên trên hết và luôn cố gắng để thoả mãn những yêu cầu của khách hàng, tuy nhiên điều đó phải dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau; không phải cứ bạn là khách hàng thì chúng tôi phải cung phụng và từ bỏ những giá trị cốt lõi của mình.

Nếu nhân viên của tôi sai, tôi luôn khuyến khích các bạn nhận lỗi với khách hàng một cách thành thực nhất. Phương châm của tôi là "làm thật, ăn thật". Nếu mình sai, mình phải sẵn sàng, nhận lỗi và khắc phục; là agency, tôi khi chúng tôi phải nhận cả những lỗi sai không phải của mình, nhưng điều đó là yêu cầu của nghề nghiệp và chúng tôi phải chấp nhận. Song mọi thứ đều có giới hạn, nếu khách hàng không tôn trọng chúng tôi, coi quan hệ đối tác là quan hệ xin-cho thì tôi luôn chọn bảo toàn team của mình, tránh cho nhân viên của mình bị tổn thương.

 Dù có khó khăn, không đẩy phần thiệt về phía nhân viên - Ảnh 8.

Có thể thấy, Đăng Vinh và SAM rất coi trọng nhân viên của mình?

Đúng vậy! Trong thời gian khó khăn vì dịch bệnh, tôi luôn cố gắng đảm bảo chế độ lương thưởng cho nhân viên. Tôi tự hào rằng suốt 2 mùa dịch, nhân viên của tôi chỉ bị giảm lương trong 3-4 tháng. Tôi quan niệm: khi công ty ăn nên làm ra, người hưởng lợi nhiều nhất chính là người làm chủ, vậy thì chẳng có lý do gì khi công ty khó khăn lại cắt giảm lương của nhân viên. Trong lúc khó khăn về kinh tế, tôi thà "cắt tay, cắt chân" của mình để đảm bảo chế độ cho nhân viên chứ không để các bạn bị thiệt thòi, vì trước những biến cố của thời cuộc, tôi hay những quản lý cấp cao của công ty sẽ có những cách xoay sở linh hoạt hơn các nhân viên cấp dưới. Họ còn trẻ, chưa có nhiều mối quan hệ cũng như kinh tế cũng chưa thật ổn định. Vì vậy, mục tiêu tiên quyết của tôi là làm sao giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý của các bạn, từ đó khiến cho các bạn không thể tập trung làm việc. Nhân viên là bánh răng, là cỗ máy vận hành của công ty, họ không vận hành tốt thì toàn bộ cỗ máy công ty khó mà trụ vững.

Trong quá trình làm việc, tôi cũng luôn coi trọng việc định hướng phát triển cho nhân viên. Tôi sẽ "nhắm mắt" lại và hình dung ra từng nhân viên của mình với đầy đủ điểm mạnh, điểm yếu để đặt họ vào vị trí tốt nhất, giúp họ phát huy được tối đa năng lực và thế mạnh của mình; để mỗi người, sau một thời gian làm việc, đều có thể trưởng thành hơn, trở thành "phiên bản" tốt hơn.

Cảm ơn Trần Nguyễn Đăng Vinh về buổi trò chuyện thú vị này, chúc Đăng Vinh và SAM đạt được nhiều thành tựu trong tương lai!

Trần Nguyễn Đăng Vinh

Nhà Sáng Lập & Giám Đốc Điều Hành Công ty cổ phần truyền thông trải nghiệm SAM

Đã từng công tác tại các tập đoàn T&A Ogilvy, TBWA, Friesland Campina Vietnam...

Đã từng phụ trách các nhãn hàng Budweiser, Roche Viêt Nam, Unilever, Novartis, Calofic, Converse, Converse, CIMB...

Thực hiện: Trang Đỗ - Trang Đào
Thiết kế: Thạch Linh 

Trang Đỗ - Trang Đào

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

Read Entire Article